Loading

LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN (Bài Đọc Tham Khảo Số 2)

"(Movi trân trọng cảm ơn tổ chức Care International tại Việt Nam đã cho phép chúng tôi trích dẫn một phần nội dung của tài liệu tập huấn lập kế hoạch tài chính cá nhân của quý tổ chức cho bài tham khảo số 2 này)"

Kế hoạch tài chính có thể giúp bạn giải quyết món nợ tồn đọng, đảm bảo cho tương lai tài chính của bạn và thậm chí còn giúp bạn hạnh phúc và thư thái hơn. Tùy vào hoàn cảnh, một kế hoạch tài chính phù hợp có thể không đòi hỏi bạn phải bớt tiêu tiền. Thay vào đó, bạn chỉ cần ra những quyết định tài chính hiệu quả hơn.

Lập ngân sách

Tiền bạc trong một mức độ nào đó sẽ giúp cuộc sống của bạn thoải mái hơn nhưng nếu chỉ chăm chăm kiếm thật nhiều tiền, điều đó lại không làm cho bạn có một cuộc sống hạnh phúc. Thay vì hướng đến việc có một số dư ngân hàng lớn, bạn nên hướng đến mục tiêu tự do tài chính, như Benjamin Franklin đã nói: “Ai giàu? Người biết hài lòng.”

Theo dõi thu nhập và chi tiêu

Tự do tài chính là khi bạn có thể đưa ra những quyết định trong đời mà không phải đắn đo về chuyện tiền bạc. Chúng ta luôn theo đuổi con đường làm giàu với ước muốn một ngày nào đó có thể tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái nhất có thể, nhưng giàu bao nhiêu là “đủ”?  “Đủ” hay “không đủ” là vấn đề mà mỗi người phải tự chiêm nghiệm, có những người có hàng trăm tỷ nhưng vẫn mắc kẹt trong vòng xoáy của công việc và stress, cũng có những người thu nhập 7 triệu một tháng nhưng lại thoải mái và tự do. “Biết đủ” chính là chìa khoá cho một cuộc sống hạnh phúc.

Tài chính cá nhân

Đa số mọi người đều nghĩ rằng nên quản lý tài chính lúc đã có nhiều tiền. Điều này thực ra không chính xác, bạn không thể giảm cân rồi mới bắt đầu ăn kiêng được. Việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích tuyệt vời hơn bạn tưởng tượng rất nhiều.

Quản lý tài chính cá nhân không phải là tằn tiện từng xu một. Nhiều người đánh đồng quản lý tài chính cá nhân với việc thiếu tự do và không tận hưởng cuộc sống nhưng sự thật không phải như vậy. Quản lý tài chính cá nhân cho phép bạn có tự do tài chính. Tự do tài chính là loại tự do quan trọng nhất, khi bạn không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, bạn sẽ có thời gian, tâm trí để học tập, tận hưởng, kết quả là bạn sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống lên gấp nhiều lần.

Nên bắt đầu lập kế hoạch cá nhân như thế nào?

Mục tiêu cơ bản của việc quản lý tài chính cá nhân là chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được. Điều này nghe có vẻ dễ dàng nhưng thật ra lại không dễ thực hiện. Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao “tiền đi đâu mất”, “không tiêu gì sao lại hết tiền” hoặc bạn luôn gặp khó khăn vào khoảng thời gian cuối tháng? Sự thật là việc không ghi chú lại những khoản chi của bạn, bạn sẽ không bao giờ biết được tiền của bạn đi đâu và liệu bạn có sử dụng tiền của mình một cách hiệu quả hay không.

Lập bảng kế hoạch cá nhân

Lập một bảng tính chi tiết về ngân sách, các khoản thu chi sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính của bản thân từ đó có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Bạn sẽ giật mình khi nhận ra mình đã “tiêu hoang” như thế nào vào những khoản không cần thiết, đồng thời sẽ có ý thức về việc tiết kiệm. Bạn có thể phân bố thu nhập của mình vào các mục sau:

  • Chi phí ăn uống
  • Chi phí sinh hoạt (thuê nhà, điện, nước, …)
  • Chi phí đi lại (xăng, xe)
  • Chi phí giải trí (đi chơi, cafe, tiệc tùng)
  • Tiết kiệm 

Tạo bảng tính trong máy tính

  • Phân bổ thu nhập và hiểu rõ tình trạng tài chính cá nhân sẽ là bước đầu tiên để bạn tiến gần hơn đến tự do tài chính. Ngày nay, bạn có thể theo dõi tài chính cá nhân rất dễ dàng, giấy bút không còn là lựa chọn duy nhất nữa. Có rất nhiều ứng dụng điện thoại giúp bạn có thể quản lý tài chính cá nhân như: Money Lover, Pocket Guard, Home Budget,…

Đặt ra các mục tiêu:

Mục tiêu về nhà cửa: Trong tương lai gần hoặc xa, bạn muốn chuyển đến ở một căn chung cư rộng hơn hoặc tích lũy mua một mảnh đất, hãy dành một khoản cho mục tiêu này.

Mục tiêu về nhu cầu sống:  Năm nay bạn muốn đi đâu du lịch, tận hưởng những thú vui giải trí gì, mua sắm thiết bị tiện ích gì. Số tiền dành cho các khoản này cũng cần được nghĩ đến.

Mục tiêu về hưu: Cân nhắc nhu cầu của bạn khi về hưu, bạn sẽ về hưu một cách “xa hoa” như định kỳ đi du lịch hay giản dị như chỉ cần có khoản phòng bị khi ốm đau. Các chuyên gia từ CNBC khuyên rằng chúng ta nên dành 10 đến 15% thu nhập mỗi năm để dành làm quỹ hưu trí cho bản thân.

Mục tiêu về học hành: Năm nay bạn sẽ gửi con đến trường nào, cho con học thêm gì. Không được để lẫn lộn khoản dành cho hưu trí với khoản tiết kiệm dành cho con cái lúc học đại học. Không phải đứa trẻ nào cũng đủ khả năng dành một khoản học bổng để đỡ tiền cho cha mẹ.

Ước lượng thu nhập trong năm

Ghi dữ liệu ngân quỹ trong 12 tháng qua

Bên cạnh các khoản chi thường xuyên, hãy liệt kê những thứ bạn có thể làm để gia tăng thu nhập. Nhìn chung có 3 nguồn cho thu nhập của bạn năm nay:

– Công việc chính:  Các khoản lương, thưởng, làm thêm ngoài giờ trong năm dự kiến là bao nhiêu. Liệu bạn có được tăng lương trong tương lai gần.

– Kinh doanh thêm:  Kế hoạch tài chính của bạn có thể bao gồm việc bắt đầu một công việc kinh doanh tại nhà, hoặc làm nghề tay trái dựa vào chính các sở thích hoặc điểm mạnh của bạn.

– Đầu tư:  Đầu tư là hoạt động có thể khiến những khoản tiền nhàn rỗi của bạn tiếp tục sinh sôi. Bạn hãy xem các lời khuyên từ giới chuyên gia về việc năm nay nên đầu tư vào đâu, như chứng khoán, vàng, hay nhà đất, trái phiếu…

Xác định lịch sử tổng thu nhập hàng tháng

Trước đây, các bà nội trợ làm việc này thủ công. Nhưng hiện nay có rất nhiều phần mềm quản lý tài chính (miễn phí hoặc thu phí) giúp công việc theo dõi thu chi dễ dàng hơn. Trong bảng này, cần có tất cả các khoản thu nhập, khoản chi theo thời gian, theo mục.

Những khoản nợ gốc và lãi, phí bảo hiểm, hóa đơn, tiền để dành nghỉ hưu, tiết kiệm đi học cho con…. cần được liệt kê đầy đủ. Qua đó, bạn sẽ dễ dàng biết mình đang bội chi hay bội thu sau mỗi tuần, mỗi tháng để kịp thời điều chỉnh.

Cân nhắc những thói quen tiêu dùng cần loại bỏ

Hãy xem ngân sách của bạn là một trọng tài và quyết định xem những khoản chi nào không cần thiết, lãng phí và nằm ngoài mục tiêu của bản kế hoạch tài chính.

Ví dụ, bạn mua thẻ tập gym giá hàng triệu đồng mỗi tháng nhưng lại ít khi có thời gian đi tập thì cần hủy ngay.

Đặt khung thời gian để hoàn thành mục tiêu

Hãy chia mục tiêu thành các mục nhỏ hơn, bắt đầu từ các mục tiêu cần làm ngay (như thay mới tủ lạnh) sau đó là các mục tiêu xa hơn như mua nhà. Với các mục tiêu dài hạn, cần có khung thời gian ngắn hạn, dài hạn để hoàn thành từng phần mục tiêu.

Tuân thủ bản kế hoạch

Viết ra chưa đủ, bạn cần quyết tâm để làm theo những gì đã vạch ra. Tuy nhiên, nhớ rằng bạn kế hoạch này là mục tiêu, không phải là một quá trình.

Nếu trong một năm, cuộc sống hay thu nhập của bạn có những thay đổi thì bạn cần cập nhật vào trong bản kế hoạch, và có những điều chỉnh để bản kế hoạch trở nên thực tế.